Nhận biết bệnh viêm gân

Hầu hết mọi người bị viêm gân vì công việc hoặc sở thích của họ liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại, làm nặng thêm các dây chằng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Những dấu hiệu đau ở vị trí gân bị tổn thương, đau khu trú tại chỗ, ít lan xa, đau liên tục cả ngày và đêm, đau mỗi lúc một tăng khi cử động thì nhiều phần đã bị viêm gân. Vùng tổn thương có thể đỏ và sưng nề, ấn tại chỗ rất đau.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Một số bệnh lý viêm gân cụ thể được nhận biết tùy theo triệu chứng mà viêm gân gây ra như sau:

Viêm gân gót Achille: Triệu chứng sưng đau vùng gót chân, gân gót sưng rõ, sờ có thể thấy nổi cục, ấn vào đau, làm động tác gấp duỗi bàn chân có lực cản thì mức độ đau tăng dần. Thường thì hiện tượng viêm gân gót Achille là do mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, phần lớn là do vận động bàn chân quá mức. Nguyên nhân gây bệnh có thể do các bệnh toàn thân như viêm khớp phản ứng, viêm khớp dạng thấp... nhưng phần lớn là do vận động quá mức bàn chân: vận động viên đua xe đạp, chạy, nhảy, leo núi, trượt tuyết, diễn viên múa ba lê, đi giày cao gót nhiều...

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay: Đây là nơi bám tận của các gân cơ duỗi chung các ngón, duỗi ngón út, trụ sau, ngửa ngắn. Khi bị viêm, người bệnh bị đau ở vùng ngoài của khuỷu tay lan lên trên và xuống dưới, đau tăng lên khi làm các động tác quay cẳng tay, gấp duỗi ngón tay (mở chìa khoá, vặn vít...). Các triệu chứng phần lớn kéo dài một thời gian rồi tự khỏi nhưng hay tái phát. Bệnh thường hay gặp ở những người chơi thể thao dùng nhiều đến cẳng tay làm các động tác quá mạnh: quần vợt, xà đơn, xà kép hoặc làm các nghề thủ công dùng nhiều đến cẳng tay... Nguyên nhân gây bệnh thường do vận động quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, chủ yếu là cơ duỗi cổ tay quay ngắn hoặc do tình trạng căng giãn gây ra do các động tác đối kháng ở tư thế ngửa của cổ tay. Các động tác mạnh, đột ngột, lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn nhưng không được sử dụng thường xuyên có thể là nguyên nhân gây ra các chấn thương cho gân cơ.

Ngón tay lò xo: Gân gấp ngón tay từ bàn tay đi vào ngón thường phải chui qua các dây chằng chéo và dây chằng xơ để cố định đường đi, khi các dây chằng, dây xơ này bị viêm, co thắt hoặc nhất là gân gấp bị viêm, nổi cục thì sự di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở, mỗi lần gấp và duỗi ngón tay thấy rất khó mà phải cố gắng mới bật ra được như lò xo. Bệnh ngón tay lò xo tuy không nguy hiểm nhưng sẽ hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, chất lượng cuộc sống. Bệnh thường gặp ở người hơn 45 tuổi, vận động cổ bàn tay nhiều, do lực chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần, trong đó nữ giới gặp nhiều hơn nam.

Gân gót bị viêm ngoài điểm.

Gân gót bị viêm ngoài điểm.

Hội chứng đường hầm cổ tay: Vùng cổ tay (phía trước) có các gân gấp chung các ngón và gấp riêng các ngón cái chui qua một đường hầm mà phía sau là khối xương cá cổ tay, phía trước là một vòng xơ, bọc quanh hai gân là hai bao hoạt dịch, nằm ở chính giữa đường hầm là dây thần kinh giữa. Khi đường hầm này bị bóp nghẹt thì dây thần kinh giữa bị chèn ép gây hội chứng đường hầm cổ tay. Bệnh nhân thấy tê và đau buốt ở đầu ngón tay các ngón thứ nhất, hai và ba; tê và đau ở phía gan tay, tăng lên về đêm; nhiều khi phải thức dậy xoa tay. Thăm khám có thể thấy vùng cổ tay (phía trước) hơi sưng so với bên lành, nhưng phần lớn không có gì thay đổi. Trong một số trường hợp nặng có thể thấy cơ mô cái teo, khám cảm giác nông vùng các ngón 1, 2 và 3 giảm rõ ở phía gan tay (do dây thần kinh giữa chi phối). Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, hay gặp là viêm khớp dạng thấp, gãy xương của nhóm xương cá, sai khớp xương bán nguyệt, gãy cổ tay kiểu Pouteau Colles, một số nghề nghiệp sử dụng cổ tay nhiều: ép, vặn, quay...

Khuyến cáo của thầy thuốc

Các bệnh lý do những tổn thương viêm không đặc hiệu, hoặc tổn thương thoái hóa, hoặc chèn ép cơ giới của gân, dây chằng, túi thanh dịch, bao khớp, nơi bám tận của gân cơ, cân cơ, tổ chức dưới da, một số bệnh về thần kinh, mạch máu… tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị. Tuyệt đối không tự điều trị hoặc chữa theo mách bảo sẽ nguy hại đến sức khỏe.

BS. HỮU CHUNG