Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, mạng xã hội… đã làm cho nhiều bệnh lý về mắt tăng cao mà mỗi con người hiện đại cần lưu ý và có biện pháp hữu hiệu để phòng tránh…
Khám mắt định kỳ là biện pháp hiệu quả phòng ngừa các bệnh lý về mắt.
Nhiều yếu tố thuận lợi gây bệnh về mắt
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh về mắt ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa do nhiều người rất chủ quan và có nhiều sai lầm trong chăm sóc, phòng và điều trị các bệnh lý về mắt, trong đó phải kể đến các yếu tố hay gặp nhất bao gồm:
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có hại cho mắt do quá trình oxy hóa. Chất chống oxy hóa giúp duy trì độ trong suốt của thủy tinh thể. Hút thuốc có thể cản trở dinh dưỡng tạo ra chất chống oxy hóa. Hút thuốc có nguy cơ cao gây bệnh thoái hóa hoàng điểm.
Uống rượu: Rượu có ảnh hưởng không tốt đến dinh dưỡng trong thủy tinh thể. Uống rượu kéo dài có thể gây ngộ độc thị thần kinh.
Dinh dưỡng không đầy đủ: Dinh dưỡng tốt có thể giúp mắt khỏe nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng là có mối liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh mắt hay không. Acid béo (tìm thấy ở võng mạc) cần thiết cho sự phát triển của mắt và giúp chống lại sự phát triển các mạch máu bất thường. Các thay đổi phức hợp acid béo trên vỏ thủy tinh thể có thể gây đục thủy tinh thể. Lutein, zeaxanthin, và carotene tìm thấy trong thủy tinh thể, lớp sắc tố võng mạc và trong cây có lá màu xanh giúp tạo ra các chất oxy hóa phòng đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm. Các vi chất (riboflavin, thiamin, vitamin C, A, E, kẽm…), đặc biệt vitamin A cần thiết cho tổng hợp rhodopsin, sắc tố võng mạc giúp mắt nhìn được trong điều kiện ánh sáng yếu. Do đó, khi dinh dưỡng được bổ sung cho cơ thể không đầy đủ sẽ làm gia tăng các bệnh lý về mắt như khô mắt, cận thị…
Ô nhiễm môi trường là một nguyên nhân gây bệnh lý về mắt.
Dân số già: Theo tuổi, các cấu trúc mắt bị thay đổi do tuổi tác cũng gây ra các bệnh về mắt. Theo nghiên cứu của Anh tại 188 quốc gia trên thế giới cho biết, đến năm 2050, số người mù có thể sẽ lên đến 115 triệu người, với 588 triệu người bị hạn chế thị lực, trong đó người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn.
Nhìn gần: Việc nhìn gần khi đọc sách, xem ti vi hoặc làm việc với máy tính thời gian dài có liên quan đến bệnh cận thị. Bên cạnh đó, ánh sáng nhìn thấy hoặc không nhìn thấy đều có thể gây hại cho mắt. Tia cực tím có thể đi qua giác mạc gây nguy cơ đục thủy tinh thể.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Ở nước ta, việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao.
Do bệnh lý mạn tính: Cùng với sự gia tăng của các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm, số người mắc bệnh về mắt xuất phát từ những bệnh lý này cũng tăng lên, chẳng hạn bệnh đái tháo đường có thể gây đục thủy tinh thể, tân mạch võng mạc…
Các bệnh mắt thường gặp
Những bệnh mắt thường gặp như tật khúc xạ (cận thị-nhìn gần tốt, nhìn xa mờ; viễn thị - nhìn xa tốt, nhìn gần kém; loạn thị; lão thị…). Trong đó, cận thị học đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… rất cao với trên 40% số học sinh mắc phải. Các bệnh khô mắt, mỏi mắt; dị ứng mắt; viêm kết mạc cấp… là những bệnh của thời “hiện đại” khi mà các công nghệ ngày càng phát triển và ô nhiễm môi trường gia tăng. Bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, glôcôm, viêm màng bồ đào, chấn thương mắt… là những bệnh có tỷ lệ gây mù lòa cao.
Ngoài những bệnh lý trên, còn nhiều bệnh lý về mắt với các biểu hiện khác nhau như chảy nước mắt, ruồi bay trước mắt, khó nhìn trong tối, nhược thị, mù màu, rung giật nhãn cầu, mắt lác hay các vấn đề về mắt khi dùng kính tiếp xúc… Với những bệnh lý hay triệu chứng này có thể điều trị được hoặc không nhưng khi nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần được đến chuyên khoa mắt để khám, sàng lọc và có biện pháp điều trị thích hợp.
Tăng cường sức khỏe mắt bằng cách nào?
Có thói quen sinh hoạt lành mạnh: Để giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và phòng ngừa được bệnh tật, mỗi người cần biết cách bảo vệ mắt với những việc làm cụ thể như tẩy trang trước khi ngủ, ngủ đủ giấc, luôn đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng, không nên dụi mắt, chớp mắt thường xuyên, không dùng chung khăn chậu, đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh về mắt để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, virus…
Từ bỏ những thói quen có hại: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia không tốt cho sức khỏe của mắt nên cần hạn chế, tốt nhất là từ bỏ hoàn toàn để tăng cường sức khỏe cho mắt.
Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mắt: Đôi mắt luôn cần được chăm sóc đặc biệt, ngoài những thực phẩm thường ngày, bạn nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, omega 3… như gan động vật, các loại trứng, sữa, cá chép, thịt vịt, các loại trái cây có vị chua như chanh, bưởi, dâu tây, cà chua, rau ngót, súp lơ, cải bẹ trắng, thì là, hành lá, nho, dứa, hạt bí, hạt dưa…
Không xem tivi hay tiếp xúc với màn tính máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh nhiều giờ liền: Hiện nay, công nghệ chế tạo màn hình đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa lọc hết ánh sáng xanh từ các nguồn sáng trên tivi, màn hình ipad nên việc phơi nhiễm quá nhiều đều có thể gây hại cho mắt, đặc biệt là võng mạc.
Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình ipad có thể gây tật khúc xạ.
Mang đồ bảo hộ mắt: Với các hoạt động có hại cho mắt như hàn, xì… khi làm việc cần mang đồ bảo hộ mắt để tránh gây chấn thương. Ngoài ra, trong các hoạt động hàng ngày mỗi người cũng cần chú ý bảo vệ mắt để không gây tổn hại cho mắt, ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Với học sinh: Đảm bảo nơi học bài, đọc sách phải đủ ánh sáng, ngồi học đúng tư thế (thẳng lưng, đầu cúi 10-15 độ); đảm bảo khoảng cách thích hợp (khoảng cách thích hợp từ mắt đến trang sách là 25cm, 30cm và 35cm lần lượt với học sinh cấp I, cấp II và cấp III. Đọc sách quá gần sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều, làm suy giảm thị lực và dẫn đến cận thị).Với học sinh đã mắc tật khúc xạ, mang kính đúng độ để mắt nhìn đủ rõ, không phải điều tiết nhiều. Mỗi 6 tháng cần đi tái khám 1 lần để đo thị lực.
Với người lao động: Khi làm việc với máy tính nhiều, thường xuyên sẽ xuất hiện một số triệu chứng mờ mắt, khô mắt và tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Để hạn chế những tác hại khi làm việc với máy tính, nên làm việc ở những nơi có ánh sáng thích hợp, điều chỉnh màn hình ở độ sáng phù hợp; nghỉ ngơi hợp lý, sau mỗi giờ làm việc nên cho mắt thư giãn bằng cách nhắm hoặc chớp mắt nhiều lần.
Khám mắt: Khi có biểu hiện lạ (hoặc bệnh), phải đi khám để điều trị đúng cách.
ThS. Hà Thị Thu Hà